I. THÔNG TIN CHUNG
Thụy Sĩ tên đầy đủ là Liên bang Thụy Sĩ là một quốc gia không giáp biển thuộc khu vực Tây Âu, có biên giới giáp với Pháp, Ý, Đức và Áo.
Thủ đô: Berne
Diện tích: 41.285 km
2
Dân số: khoảng 8,9 triệu người (năm 2024)
Ngôn ngữ chính thức: tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh
Đơn vị tiền tệ: Franc Thụy Sĩ (CHF)
Thụy Sĩ là một quốc gia nhiều đồi núi với những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trên dãy núi Alps như những đỉnh núi cao, những dòng sông băng và nhiều hồ nước đẹp. Đất nước này còn nổi tiếng về ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ và được biết đến như một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới.
II. CHÍNH TRỊ
Thụy Sĩ là một trong những quốc gia theo chế độ liên bang lâu đời nhất trên thế giới (chỉ sau
Mỹ), là một đất nước yên bình, không xảy ra bất kỳ một cuộc chiến tranh nào từ năm 1815 đến nay và là trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới.
III. KHÍ HẬU
Thụy Sĩ có khí hậu ôn hòa, nhưng có thể có thay đổi lớn theo khu vực, từ các môi trường băng hà ở các đỉnh núi cao đến các vùng mát mẻ gần khí hậu Địa Trung Hải ở tận phía nam của Thụy Sĩ. Mùa hè có xu hướng ấm và ẩm vào các đợt mưa. Mùa đông thì ít ẩm hơn ở những vùng núi có thể nhận thấy những khoảng chu kỳ dài có khí hậu ổn định trong vài tuần, trong khi các vùng đất thấp hơn có xu hướng chịu ảnh hưởng ngược lại, trong suốt các chu kỳ này thì không thấy mặt trời trong vài tuần.
IV. KINH TẾ
Thụy Sĩ là nước có ít tài nguyên thiên nhiên, là đất nước của đồi núi, với trên 40 dãy núi cao trên 4.000m so với mặt nước biển với dãy núi Alps nổi tiếng Thế giới. Song, Thụy Sĩ lại có mức phát triển vững mạnh đáng kể trên toàn cầu, tuy là nước nhỏ về diện tích, dân số, tài nguyên thiên nhiên nghèo nhưng Thụy Sĩ có vị trí quan trọng về kinh tế-tài chính và hệ thống Ngân hàng uy tín đặc biệt nổi tiếng nhất trên toàn cầu. Thụy Sĩ là một nước công nghiệp phát triển cao ở Châu Âu, trong đó có nhiều ngành đạt trình độ hàng đầu trên thế giới như: cơ khí chế tạo (nổi tiếng nhất thế giới về sản xuất đồng hồ chính xác và sang trọng), điện cơ, hóa chất, dược phẩm, thuốc tân dược, tài chính-ngân hàng, du lịch, đồ trang sức, dịch vụ và bảo hiểm. Ngoại thương đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
V. GIÁO DỤC
Thụy Sĩ có hệ thống giáo dục chất lượng cao, không chỉ phù hợp với các sinh viên trong nước mà còn phù hợp với cả sinh viên quốc tế.
Giáo dục Thụy Sĩ rất đa dạng do Hiến pháp Thụy Sĩ giao quyền quản lý hệ thống giáo dục cho các bang. Các trường ở Thụy Sĩ cũng chia thành 2 loại: trường công và trường tư, bao gồm nhiều trường tư quốc tế.
Về mặt cơ cấu tổ chức và bằng cấp, giáo dục đại học Thụy Sĩ tuân theo tiêu chuẩn Châu Âu:
- Giáo dục tiền tiểu học: Bậc học này không bắt buộc, nhưng giúp làm quen với các cấp học bắt buộc sau này, tất cả trẻ em ở các tỉnh đều có quyền đi học ở cấp này.
- Giáo dục Tiểu học: Từ 4 – 6 năm tuỳ theo từng bang, là hình thức giáo dục bắt buộc ở Thụy Sĩ.
- Giáo dục Trung học: bao gồm:
+ Trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9 hoặc lớp 10 tuỳ theo từng bang): là bậc học bắt buộc
+ Trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12): hết giai đoạn giáo dục bắt buộc, lúc này học sinh đã 16 tuổi, học sinh có thể lựa chọn: học văn hoá chung hay học nghề.
- Giáo dục Đại học: Giáo dục đại học Thụy Sĩ chia làm hai nhóm chính:
+ Các trường đại học tổng hợp dành cho những học sinh theo học chương trình văn hoá chung. Thụy Sĩ có khoảng 12 trường đại học tổng hợp gồm 10 trường trực thuộc bang và 2 trường Bách khoa trực thuộc liên bang (mỗi trường đều có nhiều chi nhánh). Các trường trực thuộc bang có cơ cấu tổ chức tương đối giống nhau. Đa số các trường đều có khoa Kinh tế, khoa Luật, khoa học chính xác, khoa học xã hội. Hai trường Đại học Bách khoa thì đào tạo kỹ sư, các môn khoa học chính xác, khoa học tự nhiên.
+ Các trường đại học chuyên ngành dành cho những học sinh học nghề từ THPT muốn đạt trình độ đại học về học nghề: có khoảng 70 trường đại học với hơn 300 chuyên ngành đào tạo. Về mặt trình độ hay bằng cấp, các trường này hoàn toàn tương đương với các trường đại học tổng hợp kể trên. Điểm khác nhau duy nhất là các trường này đặc biệt chú trọng tới thực hành trong các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, nhạc, nghệ thuật, y tế, quản lý hành chính… (những chuyên ngành trên cũng được dạy trong các trường đại học tổng hợp).
Học phí ở các trường (kể cả đại học công lập và tư thục) của Thụy Sĩ tương đối thấp. Tuy nhiên việc xin học ở các trường này không dễ vì đòi hỏi kiến thức kinh điển rất cao. Sinh viên cũng có thể lựa chọn bất cứ một chuyên ngành nào theo mong muốn như: Quản trị kinh doanh, tài chính kế toán, công nghệ thông tin, môi trường, v.v… được đào tạo bằng tiếng Pháp, Đức và Ý. Dịch vụ ngân hàng, khách sạn và du lịch là thế mạnh của giáo dục Thụy Sĩ.